Thứ Sáu, 7 tháng 5, 2010

Cà phê quán quen - Loungy lúc nào cũng dễ thương.
-
Em ơi! Lẽ nào cô đơn là tự do?
...
-
Dạo này có thói quen nghi ngờ nhiều thứ, và nghi ngờ cả bản thân mình vì việc mình có thật sự biết, và có thật sự biết đúng về một vấn đề nào hay không. Mọi thứ có vẻ mơ hồ quá, và cái chắc chắn duy nhất là sự không chắc chắn.
Tình hình này chắc phải xử lý sớm thôi. Không ổn một tí nào.
Đã rủ được Hêu đi học Guitar, chắc sẽ qua Phú Nhuận học cho nó gần công ty, dễ đi dễ về.
-
Kể chuyện hôm qua nhé.
Hôm qua thằng mập nó đưa cho một entry của một anh bạn trên Blogspot, viết về ...phim Việt Nam. [1]
Tự nhiên giật mình mà rà soát lại xem là mình đã xem được bao nhiêu film Việt Nam, và còn nhớ được bao nhiêu film.
Bài kiểm tra trí nhớ bắt đầu:
- Mùi đu đủ xanh
- Bổng dưng muốn khóc
- Những cô gái chân dài
- Để mai tính
- Áo lụa Hà Đông
- Dòng Máu Anh Hùng
- Bẫy Rồng
- Đất Phương Nam
- Trăng nơi đáy giếng
- Tuyết nhiệt đới
- Hai trong một
- Nụ hôn thần chết
Những phim này bật lên trong mình không theo một thứ tự nào nhất định, à không, theo một thứ tự duy nhất là thứ tự của trí nhớ, nhớ sao ghi vậy, không sắp xếp, chỉ theo một dòng duy nhất là những phim này là phim Việt Nam.
Thiệt sự là chỉ nhớ được có bao nhiêu đây, trí nhớ dạo này sao sao vậy không biết, mình nghĩ đúng ra phải là nhiều hơn chứ.
Mình xem film vì cái gì ta?
Vì hình ảnh:
Mình cực thích hình ảnh trong film Mùi Đu Đủ Xanh của Trần Anh Hùng, và không thể nào chê được những góc quay của Vũ Ngọc Đãng trong Những Cô Gái Chân Dài. Những góc quay nếu tách riêng từng khung hình ra, là những bức ảnh nghệ thuật "chuẩn - không - cần - chỉnh".
Vì kịch bản:
Mình vẫn còn nhớ cái cách mà kịch bản phim Trăng nơi đáy giếng dẫn dắt mạch cảm xúc của mình khi xem phim, vẫn còn nhớ mình đã thấy thương thế nào thân phận của người phụ nữ, của nhân vật nữ chính trong phim đó, và mình cũng nhớ kết thúc của phim buồn như thế nào, hình ảnh ngôi nhà với hàng rào trắng đóng kín. Một ẩn dụ hoàn toàn hợp lý cho hình ảnh thế giới nội tâm của nhân vật nữ chính tách biệt hoàn toàn với bên ngoài, hình ảnh bi thương của người thương tượng như chồng, bi kịch của sự hi sinh chăng?
Vì âm thanh:
Bài đồng ca "Bài Ca Dành Cho Những Xác Người" của Trịnh Công Sơn đã được cất lên khi nhân vật nữ chính do Trương Ngọc Ánh thủ vai khóc tức tưởi ôm xác con, hình ảnh ngôi trường làng tan hoang trong bom đạn, những trang viết học trò bay trong khói bom, tang thương đến trong từng hình ảnh, và trong cả từng câu hát:
"... Mùa xuân ơi, xác nuôi thơm cho đất ruộng cày
Việt Nam ơi, xác thêm hơi cho đất ngày mai
Đường đi tới, dù chông gai
Thì quanh đây đã có người ..."
Vì cái cách mà diễn viên sống với nhân vật của mình:
Đó có thể là bà già Nam bộ người làm trong phim Mùi Đu Đủ Xanh, hay là nhân vật Phạm Hương Hội do Thái Hoà đóng trong phim Để Mai Tính mà dạo gần đây rần rần rộ rộ. Hay là ánh mắt trong đến vô hồn của Hồng Ánh trong vai cô giáo Hạnh khi ngồi nghe cầu đồng để cắt tiền duyên. Họ có thể là nhân vật chính, hay chỉ là một nhân vật rất phụ trong phim, với mình việc đó không quan trọng bằng việc họ đã thể hiện một cách chân thực nhất hình ảnh của nhân vật mà họ đang thủ vai. Và, theo mình, những con người lao động nghệ thuật nghiêm túc nhất, chính là những con người như thế đó.
Mình viết ra thế này, chỉ để thấy rằng Phim Việt Nam, hay là những thứ nghệ thuật khác của Việt Nam vẫn rất hay, vẫn còn rất nhiều người ngoài đó đang lao động rất nghiêm túc cho những đam mê của mình, mình đã thấy như thế.
Nhưng mình cũng nhớ là mình đã buồn thế nào khi mới đây được mời đi dự một triễn lãm tranh, mình đến xem cùng bạn, và mình nhìn thấy rằng, hơn 60% khách đến dự của buổi triễn lãm ngày hôm đó là những người không phải là người Việt Nam. [2]
Rồi mình lại tự quay qua xem lại bản thân, mình tự hỏi rằng khả năng xem - đọc - hiểu những tác phẩm nghệ thuật của mình, đang ở một mức nào cơ chứ?
Mình lại tự hỏi, liệu mình đã có đủ trình độ để hiểu những tranh của Bùi Xuân Phái, những dòng viết da diết đầy chất thơ của Vũ Bằng, những nhạc của Lê Uyên & Phương, của Trịnh Công Sơn, của Phạm Duy, và của rất nhiều những người khác nữa.
Và như thế, còn rất nhiều tên tuổi khác mà đúng lý ra mình nên biết, nên học, nên đọc, nên tiếp xúc, và quan trọng nhất là, nên được hướng dẫn tìm đọc và suy nghĩ về nó một cách nghiêm túc. Nhưng mình rõ ràng là chưa được hướng dẫn một cách đúng đắn.
Có ai khắc khoải như mình không?
-
Phim Việt Nam nói chung không phải là không có sạn, và rất nhiều bạn của mình, đã thẳng thừng phán rằng, phim Việt Nam chiếu rạp thì không xem. Mình khẳng định là có rất nhiều bạn của mình như thế, và mình cũng thường như thế.
Nhưng tự hỏi rằng, rất nhiều người nói rằng tôi không đi xem phim chỉ vì những lời review của người khác, rằng đại loại rằng cách tiếp cận tốt nhất với bất kì một thứ gì, là hãy cứ tiếp cận nó một cách tự nhiên và đừng nghe những gì người khác nói, hãy cứ tiếp xúc và tự cảm nhận sự hay dở bằng chính suy nghĩ và tình cảm của mình.
Đành rằng điều này chưa bao giờ sai. Nhưng, con người ta liệu có bao nhiêu thời gian để đọc, để xem, để cảm, để sống với tác phẩm trong cái thời đại mà mỗi ngày không biết có bao nhiêu là thứ mới mẻ cần phải khám phá này chứ?
Mình vẫn không đồng ý quan điểm của thằng mập về việc nên bảo một đứa bé đọc gì trước khi nó đứng trước một thư viện với hàng ngàn cuốn sách, quan điểm của nó là nói đứa bé cứ đọc quyển đầu tiên mà nó tìm gặp.
Mình thấy như vậy là một công việc rất tốn thời gian và đứa bé đó, sẽ rất dễ bị lung lạc trong một rừng kiến thức, hơn nữa, con người ta chẳng phải rất dễ bị tác động bởi những gì mình đọc được, nếu không có một nền tảng vững chắc đó sao?
Mình nên suy nghĩ thêm về vấn đề này.
-
Mình cũng không đồng ý về ý tưởng người khán giả ngây thơ. Việc chấp nhận tất cả những hay dở của một tác phẩm mà không khen chê gì chỉ vì nó là tác phẩm của Việt Nam làm theo mình là cực đoan và chính những ý nghĩ này sẽ giết chết sáng tạo nghệ thuật nếu có. Ưu ái là đúng, nhưng nuông chiều thì không nên, mình phải có quyền thích hay ghét một thứ gì đó chứ ta?
Hà hà.
-

[1] http://damhaphu.blogspot.com/2010/05/dam-anh-ly-tieu-long.html
[2] http://www.san-art.org/exhibitions/lifeisconsumption/index.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét